HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT XÃ THANH BÌNH THỊNH

Để đảm bảo việc hiểu biết pháp luật cho toàn thể Cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân trên địa bàn toàn xã về công tác phòng cháy, chữa cháy theo quy định cua pháp luật. Nay Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật xã Thanh Bình Thịnh xin trích dẫn một số  Điều quy định của Nghị định 167/2013/NĐ-CPngày12/11/2013 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng chay và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình như sau:

Điều 27. Vi phạm quy định trong việc ban hành, phổ biến và tổ chức thực hiện quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Chấp hành không đầy đủ nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Làm mất tác dụng hoặc để nội quy, tiêu lệnh, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy cũ mờ, không nhìn rõ chữ, ký hiệu chỉ dẫn;

c) Trang bị nội quy, tiêu lệnh, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy không đúng quy cách.

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không bố trí, niêm yết tiêu lệnh, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy;

b) Không chấp hành nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Không phổ biến nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy cho những người trong phạm vi quản lý của mình;

d) Ban hành các nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy không đầy đủ nội dung hoặc không phù hợp với tính chất nguy hiểm cháy, nổ của cơ sở.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không bố trí, niêm yết nội quy về phòng cháy và chữa cháy.

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không có hoặc có quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy nhưng trái với các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này.

Điều 28. Vi phạm quy định về kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không xuất trình hồ sơ, tài liệu phục vụ cho kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy.

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng thời hạn các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản;

b) Không cử người có trách nhiệm tham gia đoàn kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy;

c) Không tự tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không tổ chức thực hiện văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền;

b) Không thực hiện các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sau khi cơ sở được thẩm duyệt và nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy, trước khi đưa cơ sở vào hoạt động người đứng đầu cơ sở không có văn bản thông báo và ký cam kết cơ sở đã đáp ứng đủ các yêu cầu và duy trì các điều kiện về đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình sử dụng nhà, công trình và hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định.

5. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 2, 3 và Khoản 4 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 29. Vi phạm về hồ sơ quản lý công tác an toàn phòng cháy và chữa cháy

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không thực hiện việc báo cáo về công tác phòng cháy và chữa cháy;

b) Không đủ tài liệu trong hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy;

c) Không cập nhật những thông tin thay đổi liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy trong hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy của cơ sở.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không lập hồ sơ quản lý, theo dõi phòng cháy và chữa cháy.

3. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 32. Vi phạm quy định trong vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Làm hư hỏng giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ;

b) Không mang theo giấy phép vận chuyển khi vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ;

c) Không bóc, gỡ biểu trưng chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ gắn trên phương tiện vận chuyển khi chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ đã được di chuyển khỏi phương tiện vận chuyển;

d) Làm mất giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ nhưng đã thông báo kịp thời với cơ quan có thẩm quyền.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sắp xếp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ trên phương tiện vận chuyển không đúng theo quy định.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không duy trì đầy đủ các điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy khi sử dụng phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ trong thời gian vận chuyển;

b) Vận chuyển hàng hóa khác cùng với chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ trên cùng một phương tiện vận chuyển mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền;

c) Chở người không có nhiệm vụ trên phương tiện vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ vượt quá số lượng, khối lượng, chủng loại quy định trong giấy phép;

b) Không niêm yết biểu trưng vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ trên phương tiện vận chuyển;

c) Không chấp hành các điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy hoặc không tuân theo sự hướng dẫn của người điều hành có thẩm quyền khi bốc, dỡ, bơm, chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ ra khỏi phương tiện vận chuyển theo quy định;

d) Bốc, dỡ, bơm, chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ tại địa điểm không bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy;

đ) Bốc, dỡ, bơm, chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ đang trên đường vận chuyển sang phương tiện khác khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền;

e) Làm mất giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ nhưng không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ;

b) Làm giả hoặc sử dụng giấy phép giả để vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ;

c) Chữa, tẩy xóa giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 1; Điểm a, b Khoản 5 Điều này.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc sắp xếp lại chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;

b) Buộc giảm số lượng, khối lượng, chủng loại chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều này;

c) Buộc di chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ đến kho, địa điểm theo quy định đối với hành vi quy định tại Điểm a, b Khoản 5 Điều này;

d) Buộc thu hồi giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 5 Điều này.

8. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 2, 3, 4 và Khoản 5 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 34. Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong thiết kế, lắp đặt, quản lý, sử dụng điện

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không có quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy trong sử dụng điện tại cơ sở.

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị điện không theo đúng chỉ dẫn của nhà chế tạo.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không duy trì hoạt động thường xuyên của hệ thống chiếu sáng sự cố;

b) Thay đổi thiết kế hoặc thay đổi kết cấu, thông số chủ yếu của hệ thống điện, thiết bị điện mà không được người hoặc cơ quan có thẩm quyền chấp thuận;

c) Lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện, cáp dẫn điện hoặc thiết bị đóng ngắt, bảo vệ hoặc thiết bị tiêu thụ điện không đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy;

d) Sử dụng thiết bị điện quá tải so với thiết kế;

đ) Sử dụng thiết bị điện ở những nơi đã có quy định cấm.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng thiết bị điện không bảo đảm yêu cầu phòng cháy, nổ theo quy định trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ;

b) Không có nguồn điện dự phòng theo quy định.

5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi không thiết kế, lắp đặt các hệ thống điện phục vụ yêu cầu phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định.

Điều 39. Vi phạm quy định về phương án chữa cháy của cơ sở

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không quản lý phương án chữa cháy theo quy định.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Xây dựng phương án chữa cháy không đảm bảo yêu cầu;

b) Không phổ biến phương án chữa cháy.

3. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không trình phê duyệt phương án chữa cháy;

b) Không tham gia thực tập phương án chữa cháy;

c) Không bổ sung, chỉnh lý phương án chữa cháy;

d) Không thực tập đầy đủ các tình huống chữa cháy trong phương án chữa cháy đã được phê duyệt.

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không xây dựng phương án chữa cháy;

b) Không tổ chức thực tập phương án chữa cháy.

Điều 40. Vi phạm quy định về thông tin báo cháy

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thay thế phương tiện, thiết bị thông tin báo cháy hỏng hoặc mất tác dụng.

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không có hiệu lệnh, thiết bị thông tin báo cháy theo quy định;

b) Báo cháy chậm, không kịp thời; báo cháy không đầy đủ.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Báo cháy giả;

b) Không báo cháy hoặc ngăn cản, gây cản trở việc thông tin báo cháy;

c) Đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin không kịp thời khắc phục những hỏng hóc đối với thiết bị tiếp nhận thông tin báo cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy khi đã có yêu cầu bằng văn bản.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.

5. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1, 2 và Khoản 3 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 47. Vi phạm quy định về phòng, chống cháy, nổ tại hộ gia đình

1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi vô ý vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại dưới 25.000.000 đồng.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vô ý vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vô ý vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại trên 50.000.000 đồng.

Điều 48. Vi phạm trong việc để xảy ra cháy, nổ

1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại dưới 2.000.000 đồng.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vô ý vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại từ 2.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi vô ý vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại từ 10.000.000 đồng đến dưới 25.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vô ý để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi do thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy, nổ.

6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vô ý để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại trên 50.000.000 đồng.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 200.418
    Online: 1