1. Nhà Thánh Văn Đức Thịnh

   

    Đây là một trong những dấu tích minh chứng cho truyền thống “tôn sư trọng đạo”, coi Nho giáo như là một tôn giáo của người dân nơi đây. Các triết lý đạo đức, nhân sinh của Nho giáo như: nhân - lễ - nghĩa - trí - tín…; đạo Tam cương, Ngũ thường… được bà con tích cực học hỏi, trau dồi và trở thành tâm thức trong suốt cuộc đời. Điều dễ thấy là các triết lý này phù hợp với đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam nên nó có sức cuốn hút người dân một cách mạnh mẽ. Vì thế, trên đất Đức Thịnh ngày nay còn có dấu tích Nhà Thánh Văn thờ Khổng Tử (người sáng lập Nho giáo) và các vị tiên, cúng tế một năm hai lần vào tháng 3 và tháng 8 âm lịch.

   Nhà Thánh văn được xây dựng tại xã Quang Chiêm (nay là xóm Nhà Thánh Liên Thịnh). Kinh phí do Tổng Văn Lâm và xã Quang Chiêm (tên gọi của Đức Thịnh lúc bấy giờ) đóng góp. Dấu tích hiện nay vẫn còn 2 tấm bia và phối tự Bùi Văn Trứ (1706 - 1775), đậu tiến sỹ năm Quý Hợi (1743), lúc 37 tuổi là cháu đời thứ 7 Bùi Cẩm Hổ (phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh).

   2. Đền Côi  Đức Thịnh

  

        Đền thờ thần “Cao Các cương nghị Đại Vương” (thiên thần) là thần đất, thần nước… nhằm phù hộ cho dân làng “người yên, vật thịnh”. Cũng có thuyết cho rằng: thần Cao Các là tướng Cao Lỗ, tả tướng của nước Âu lạc, đời vua An Dương Vương khi truy kích giặc Ân qua vùng này, do bị thương có rơi bảy giọt máu nên dân làng lập đền thờ để ghi nhớ công ơn.

   Đền được xây dựng tại thôn Quang Chiêm (nay là nhà văn hóa thôn Quang Tiến) vào khoảng năm 1754. Kinh phí do dân làng và các gia đình giàu có lúc bấy giờ đóng góp.

   Đây là ngôi đền lớn, uy nghi nhất xã lúc bấy giờ; được xây dựng trong khuôn viên rộng gần 2ha; các chi tiết kiến trúc được chạm trổ tinh xảo. Đền có cả thượng điện và hạ điện. Trong đền có đầy đủ đồ tế khí.  Trước đền có hai cây muỗm rất to có đến 4, 5 người ôm không xuể, xung quanh có rất nhiều cây cối xanh tươi bốn mùa. Ngoài ra, hai bên có hai dãy nhà tả - hữu. Trước đền có hai cột nanh với hang trúc chắn ngang rất đẹp. Đây là nơi hội họp dân làng khi tế lễ và cũng là nơi nghi dấu ấn tuổi thơ bao thế hệ.

   Năm  thứ 14 cảnh Hưng (nhà Lê) sắc phong: “Cao Các cương nghị Đại Vương: Thượng đẳng thần”. Sau đó, các đời vua: Cảnh Thịnh, (Tây Sơn), Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định (nhà Nguyễn) cũng đều có sắc phong.

   Ngày 01 tháng 5 âm lịch hàng năm, dân làng cùng hội tư Võ tổ chức tế lễ rất long trọng. Chủ tế là ông Nguyễn Bá Hồ - quan Tứ phẩm (Quản Cơ hoặc Cai Cơ), là một chức quan võ thời Nguyễn, Quản Cơ đứng đầu một Cơ (500 - 600 lính); dân làng thường gọi quan Quản.

   Ngày nay, qua bao thăng trầm của lịch sử, đền chỉ còn lại dấu tích về vị trí mà thôi. Những năm gần đây người dân thôn Quang Tiến tái lập lại việc dựng miếu thờ và tế lễ thần “Cao Các cương nghị Đại Vương” vào ngày 01 tháng 5 âm lịch hàng năm do hội người cao tuổi đứng ra tổ chức.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 199.276
    Online: 5