HĐPHPBGDPL - BAN TƯ PHÁP XÃ THANH BÌNH THỊNH
THÔNG TIN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT
Có hiệu lực trong tháng 2/2022
(Ban hành kèm theo Công văn số:03/HĐPBGPL ngày 07 tháng 02 năm 2022)
Người lao động thời vụ được làm thêm đến 40 giờ mỗi tháng
Từ 1/2, Thông tư 18 do Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội ban hành quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng sẽ có hiệu lực.
Theo đó, thay vì 32, số giờ làm thêm của người lao động thời vụ tăng lên 40 mỗi tháng. Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần cũng tăng lên 72 một tuần (trước đây là 60). Tổng giờ làm việc tiêu chuẩn và giờ làm thêm trong một ngày không quá 12.
Hàng tuần, người lao động được nghỉ ít nhất một ngày (24 giờ liên tục). Trong những tháng thời vụ hoặc phải gấp rút gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng, nếu không thực hiện được nghỉ hằng tuần thì phải bảo đảm hằng tháng có ít nhất 4 ngày nghỉ cho người lao động. Chủ sử dụng phải bố trí để người lao động được nghỉ ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ hằng năm và các ngày nghỉ có hưởng lương khác...
Giảm thuế VAT xuống 8%
Nghị định số 15 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện từ 1/2 đến hết 31/12/2022.
Theo đó, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất VAT 10% sẽ được giảm 2% trong năm 2022, xuống còn 8%. Việc giảm thuế VAT sẽ không áp dụng cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ gồm: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ. Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng quy định trên. Thuế VAT được giảm trực tiếp ngay khi xuất hóa đơn.
Bên cạnh chính sách giảm VAT, Nghị định 15 cũng cho phép tính khoản chi ủng hộ, tài trợ phòng chống dịch Covid-19 vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022. Dự kiến, ngân sách nhà nước năm 2022 giảm thu 51.400 tỷ đồng, chủ yếu do giảm 49.400 tỷ đồng từ việc hạ VAT, còn lại là phần khấu trừ chi phí tính vào thuế thu nhập doanh nghiệp.
Có thể tiêu hủy thực phẩm không bảo đảm an toàn
Thông tư 17 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ có hiệu lực từ ngày 2/2/2022.
Thông tư quy định rõ 4 hình thức xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi, bao gồm khắc phục lỗi của sản phẩm, lỗi ghi nhãn (với sản phẩm có lỗi ghi nhãn); chuyển mục đích sử dụng (với thực phẩm không bảo đảm an toàn, không được sử dụng làm thực phẩm nhưng có thể sử dụng vào mục đích khác sau khi xử lý phù hợp); tái xuất (thực phẩm nhập khẩu không bảo đảm an toàn và thuộc diện tái xuất); tiêu hủy (thực phẩm có mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố, quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, không thể chuyển mục đích sử dụng hoặc tái xuất).
Sau khi hoàn thành việc tiêu hủy thực phẩm, chủ cơ sở phải báo cáo bằng văn bản về việc tiêu hủy thực phẩm ghi rõ tên, số lượng, thời gian đã hoàn thành việc tiêu hủy, địa điểm tiêu hủy, kèm theo biên bản tiêu hủy thực phẩm có xác nhận của tổ chức thực hiện tiêu hủy đến cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm hoặc cơ quan ra quyết định thu hồi thực phẩm.
Được trở lại vị trí công tác sau khi có kết luận không tham nhũng
Từ 15/2, Nghị định 134 của Chính phủ ban hành ngày 30/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực thi hành.
Theo đó, người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng. Cá nhân này cũng phải được xin lỗi, cải chính công khai và được bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật trong việc ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cũng phải hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn sau khi cơ quan có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.