CHƯƠNG TRÌNH TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRÊN HỆ THỐNG TRUYỀN THANH CỦA ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2019

 

BÀI PHÁT THANH TUYÊN TRUYỀN PHỐ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

 

TUẦN 1

I. Luật Tiếp công dân năm 2013

Câu 1: Xin hỏi Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định nghiêm cấm những hành vi nào?

Trả lời:

 Điều 6  Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định nghiêm cấm các hành vi sau đây:

1. Gây phiền hà, sách nhiễu hoặc cản trở người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

2. Thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân; làm mất hoặc làm sai lệch thông tin, tài liệu do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp.

3. Phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân.

4. Lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để gây rối trật tự công cộng.

5. Xuyên tạc, vu khống, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.

6. Đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ.

7. Kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc người khác tập trung đông người tại nơi tiếp công dân.

8. Vi phạm các quy định khác trong nội quy, quy chế tiếp công dân.

Câu 2: Khi thực hiện thủ tục hành chính ở bộ phận một cửa của Ủy ban nhân dân xã H, anh M không được công chức        tiếp nhận xử lý hồ sơ hướng dẫn cụ thể, thậm chí khi anh yêu cầu được giải thích rõ hơn, công chức này còn tỏ thái độ khó chịu. Anh M muốn gặp trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H tại buổi tiếp công dân để phản ánh sự việc trên. Xin hỏi, khi đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại nơi tiếp công dân, công dân có quyền và nghĩa vụ gì?

Trả lời:

Điều 7 Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định khi đến nơi tiếp công dân, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Về quyền:

+ Trình bày về nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

+ Được hướng dẫn, giải thích về nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của mình;

+ Khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của người tiếp công dân;

+ Nhận thông báo về việc tiếp nhận, kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

+ Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không sử dụng thông thạo tiếng Việt thì có quyền sử dụng người phiên dịch;

+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

2. Về nghĩa vụ:

+ Nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có);

+ Có thái độ đúng mực, tôn trọng đối với người tiếp công dân;

+ Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; ký hoặc điểm chỉ xác nhận những nội dung trình bày đã được người tiếp công dân ghi chép lại;

+ Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy tiếp công dân và hướng dẫn của người tiếp công dân;

+ Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khiếu nại, tố cáo của mình.

Câu 3: Là người được phân công tiếp công dân tại bộ phận một cửa. Vậy với tư cách là người tiếp công dân có trách nhiệm gì?

Trả lời:

Theo Điều 8 Luật Tiếp công dân năm 2013, người tiếp công dân có trách nhiệm sau:

- Khi tiếp công dân, người tiếp công dân phải bảo đảm trang phục chỉnh tề, có đeo thẻ công chức, viên chức hoặc phù hiệu theo quy định.

- Yêu cầu người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có); có đơn hoặc trình bày rõ ràng nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc tiếp nhận, thụ lý vụ việc.

- Có thái độ đứng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày.

- Giải thích, hướng dẫn cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết.

- Trực tiếp xử lý hoặc phân loại, chuyển đơn, trình người có thẩm quyền xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thông báo kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cho công dân.

- Yêu cầu người vi phạm nội quy nơi tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm; trong trường hợp cần thiết, lập biên bản về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Câu 4: Sau khi đã uống rượu say xỉn. AnhA  đến địa điểm tiếp công dân xã E yêu cầu công chức tiếp công dân cho được gặp trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã để hỏi cho ra lẽ chuyện tranh chấp lối đi giữa nhà anh và nhà hàng xóm. Công chức tiếp công dân xã E có được từ chối tiếp công dân đối với anh A trong trường hợp này không?

Trả lời:

Theo Điều 9 Luật Tiếp công dân năm 2013, người tiếp công dân được từ chối tiếp người đến nơi tiếp công dân trong các trường hợp sau đây:

-  Người trong tình trạng say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

- Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân;

- Người khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài;

- Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Đối chiếu với các quy định trên, Anh A đang trong tình trạng say rượu nên công chức tiếp công dân có quyền từ chối tiếp công dân đối với anh A.

Câu 5. Tôi được biết ở xã, phường, thị trấn đều thực hiện việc tiếp công dân. Vậy việc tiếp công dân đến khiếu nại ở xã, phường, thị trấn thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 15 Luật Tiếp công dân năm 2013, việc tiếp công dân của cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn được thực hiện tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã).

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp phụ trách công tác tiếp công dân ở cấp xã và thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

a) Ban hành nội quy tiếp công dân;

b) Bố trí địa điểm thuận lợi và các điều kiện cần thiết khác cho việc tiếp công dân tại Trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã;

c) Phân công người tiếp công dân;

d) Trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã ít nhất 01 ngày trong 01 tuần và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất;

đ) Phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tiếp công dân và xử lý vụ việc nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung; bảo đảm an toàn, trật tự cho hoạt động tiếp công dân;

e) Tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, báo cáo định kỳ và đột xuất với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Câu 6: Việc tiếp nhận và xử lý bước đầu khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 25  Luật Tiếp công dân năm 2013 về việc tiếp nhận và xử lý bước đầu khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được thực hiện như sau:

1. Khi công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân có trách nhiệm đón tiếp, yêu cầu họ nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có); tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc hướng dẫn người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày nội dung vụ việc.

2. Nội dung trình bày phải được ghi vào sổ tiếp công dân gồm; số thứ tự, ngày tiếp, họ tên, địa chỉ, nội dung sự việc, quá trình xem xét, giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền (nếu có); yêu cầu, đề nghị của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc tiếp nhận, xử lý vụ việc.

Trường hợp người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chưa có đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân hướng dẫn viết đơn hoặc ghi lại đầy đủ, chính xác nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh bằng văn bản và yêu cầu họ ký xác nhận hoặc điểm chỉ; trường hợp nội dung trình bày chưa rõ ràng, đầy đủ thì người tiếp công dân đề nghị người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày bổ sung hoặc bổ sung tài liệu, chứng cứ.

3. Trường hợp trong đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân hướng dẫn người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh viết thành đơn riêng để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị hoặc phản ánh với cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật.

Câu 7: Công chức S được Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã D phân công thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã. Khi được bố trí thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân như vậy công chức S được hưởng chế độ, chính sách đối gì?

Trả lời:

Theo Điều 19, Điều 20, Điều 21 và Điều 22 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật tiếp công dân, khi được bố trí thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, công chức S được hưởng chế độ, chính sách của người tiếp công dân, cụ thể như sau:

- Chế độ bồi dưỡng được tính theo ngày làm việc đối với cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân.

- Bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ tiếp công dân.

- Người tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân được hưởng chế độ trang phục tiếp công dân.

TUẦN 2

II. Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30/10/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn

Câu 1: Anh D vừa tốt nghiệp đại học Luật, anh muốn thi tuyển làm công chức Tư pháp – Hộ tịch tại Ủy ban nhân dân xã G. Anh muốn biết công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn nào?

Trả lời:

Theo Điều 2 Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30/10/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn (Thông tư số 06/2012/TT-BNV) để trở thành công chức Tư pháp – Hộ tịch, anh D cần đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:

1. Các tiêu chuẩn chung quy định tại Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 về công chức xã phường, thị trấn, bao gồm:

+  Hiểu biết về lý luận chính trị, nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước;

+ Có năng lực tổ chức vận động nhân dân ở địa phương thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước;

+ Có trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm, có đủ năng lực và sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao;

+ Am hiểu và tôn trọng phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư trên địa bàn công tác.

2. Các tiêu chuẩn cụ thể quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 06/2012/TT-BNV, bao gồm:

+ Độ tuổi: Đủ 18 tuổi trở lên;

+ Trình độ văn hóa: Tốt nghiệp trung học phổ thông;

+ Trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của chức danh công chức được đảm nhiệm;

+ Trình độ tin học: Có chứng chỉ tin học văn phòng trình độ A trở lên;

+Tiếng dân tộc thiểu số: Ở địa bàn công tác phải sử dụng tiếng dân tộc thiểu số trong hoạt động công vụ thì phải biết thành thạo tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với địa bàn công tác đó; nếu khi tuyển dụng mà chưa biết tiếng dân tộc thiểu số thì sau khi tuyển dụng phải hoàn thành lớp học tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với địa bàn công tác được phân công;

+ Sau khi được tuyển dụng phải hoàn thành lớp đào tạo, bồi dưỡng quản lý hành chính nhà nước và lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo chương trình đối với chức danh công chức cấp xã hiện đảm nhiệm.

Câu 2: Ủy ban nhân dân phường K vừa có thông báo tuyển dụng làm công chức Văn phòng – Thống kê, tôi có ý định đăng ký dự tuyển. Tôi  muốn biết công chức Văn phòng - Thống kê có các nhiệm vụ gì?

Trả lời:

Theo Điều 5 Thông tư số 06/2012/TT-BNV quy định công chức Văn phòng – Thống kế có các nhiệm vụ sau đây:

1. Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong các lĩnh vực: Văn phòng, thống kê, tổ chức, nhân sự, thi đua, khen thưởng, kỷ luật, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc và thanh niên trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

2. Trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

+  Xây dựng và theo dõi việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác, lịch làm việc định kỳ và đột xuất của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

+  Giúp Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức các kỳ họp; chuẩn bị các điều kiện phục vụ các kỳ họp và các hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã;

+  Tổ chức lịch tiếp dân, tiếp khách của Ủy ban nhân dân cấp xã; thực hiện công tác văn thư, lưu trữ, cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” tại Ủy ban nhân dân cấp xã; nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo và chuyển đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xem xét, giải quyết theo thẩm quyền; tổng hợp, theo dõi và báo cáo việc thực hiện quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân cấp xã và thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật;

+  Chủ trì, phối hợp với công chức khác xây dựng và theo dõi việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tổng hợp, thống kê, báo cáo tình hình phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn cấp xã; dự thảo các văn bản theo yêu cầu của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

3. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành và do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao.

Câu 3: Xin hỏi, nhiệm vụ của công chức Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc công chức Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã) được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 6 Thông tư số 06/2012/TT-BNV, công chức Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc công chức Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã) có các nhiệm vụ sau đây:

1. Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong các lĩnh vực: Đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, đô thị, giao thông, nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

2. Trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ sau:

+ Thu thập thông tin, tổng hợp số liệu, lập sổ sách các tài liệu và xây dựng các báo cáo về đất đai, địa giới hành chính, tài nguyên, môi trường và đa dạng sinh học, công tác quy hoạch, xây dựng, đô thị, giao thông, nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

+  Tổ chức vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo vệ môi trường trên địa bàn cấp xã;

+  Giám sát về kỹ thuật các công trình xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã;

+ Chủ trì, phối hợp với công chức khác thực hiện các thủ tục hành chính trong việc tiếp nhận hồ sơ và thẩm tra để xác nhận nguồn gốc, hiện trạng đăng ký và sử dụng đất đai, tình trạng tranh chấp đất đai và biến động về đất đai trên địa bàn; xây dựng các hồ sơ, văn bản về đất đai và việc cấp phép cải tạo, xây dựng các công trình và nhà ở trên địa bàn để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định hoặc báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.

3. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành và do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao.

Câu 4: Xin hỏi, nhiệm vụ của công chức Tài chính - kế toán được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 7 Thông tư số 06/2012/TT-BNV quy định công chức Tài chính - kế toán có các nhiệm vụ sau đây:

1. Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong lĩnh vực tài chính, kế toán trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

2. Trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

+ Xây dựng dự toán thu, chi ngân sách cấp xã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức thực hiện dự toán thu, chi ngân sách và các biện pháp khai thác nguồn thu trên địa bàn cấp xã;

+ Kiểm tra và tổ chức thực hiện các hoạt động tài chính, ngân sách theo hướng dẫn của cơ quan tài chính cấp trên; quyết toán ngân sách cấp xã và thực hiện báo cáo tài chính, ngân sách theo đúng quy định của pháp luật;

+ Thực hiện công tác kế toán ngân sách (kế toán thu, chi ngân sách cấp xã, kế toán các quỹ công chuyên dùng và các hoạt động tài chính khác, kế toán tiền mặt, tiền gửi, kế toán thanh toán, kế toán vật tư, tài sản,...) theo quy định của pháp luật;

+ Chủ trì, phối hợp với công chức khác quản lý tài sản công; kiểm tra, quyết toán các dự án đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật.

3. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành và do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao.

Câu 5: Con dâu tôi hiện đang làm công chức Tư pháp – Hộ tịch phường, mà phường chỉ có một công chức Tư pháp – Hộ tịch. Tôi thấy cháu rất bận rộn, làm việc từ sớm đến tận tối muộn mới về? Xin hỏi,  công chức Tư pháp - hộ tịch có những nhiệm vụ gì mà bận suốt thế?

Trả lời:

Theo Điều 8 Thông tư số 06/2012/TT-BNV, công chức Tư pháp - Hộ tịch có các nhiệm vụ sau đây:

1. Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong lĩnh vực tư pháp và hộ tịch trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

2. Trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ sau:

+ Phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý tủ sách pháp luật, tổ chức phục vụ nhân dân nghiên cứu pháp luật và tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn cấp xã trong việc tham gia xây dựng pháp luật;

+ Kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định; tham gia công tác thi hành án dân sự trên địa bàn cấp xã;

+Thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp, hộ tịch, chứng thực, chứng nhận và theo dõi về quốc tịch trên địa bàn cấp xã theo quy định của pháp luật; phối hợp với công chức Văn hóa - xã hội hướng dẫn xây dựng hương ước, quy ước ở thôn, tổ dân phố và công tác giáo dục tại địa bàn cấp xã;

+ Chủ trì, phối hợp với công chức khác thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.

3. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành và do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao.

Câu 6: Ông A là Tổ trưởng tổ dân phố. Hiện nay, nhân dân trong tổ dân phố đang đề xuất xây dựng quy ước văn hóa. Tuy nhiên, có một số vấn đề về thủ tục xây dựng quy ước còn chưa rõ, ông muốn được Ủy ban nhân dân phường hướng dẫn cụ thể. Xin hỏi, công chức chuyên môn nào của phường phụ trách nhiệm vụ này?

Trả lời:

Điều 9 Thông tư số 06/2012/TT-BNV về nhiệm vụ của công chức Văn hóa – xã hội quy định như sau: “Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong các lĩnh vực: Văn hóa, thể dục thể thao, du lịch, thông tin, truyền thông, lao động, thương binh, xã hội, y tế, giáo dục theo quy định của pháp luật” và trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ sau:

+ Tổ chức, theo dõi và báo cáo về các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch, y tế và giáo dục trên địa bàn; tổ chức thực hiện việc xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư và xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn cấp xã;

+ Thực hiện các nhiệm vụ thông tin, truyền thông về tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương;

+ Thống kê dân số, lao động, việc làm, ngành nghề trên địa bàn; theo dõi, tổng hợp, báo cáo về số lượng và tình hình biến động các đối tượng chính sách lao động, thương binh và xã hội; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện và chi trả các chế độ đối với người hưởng chính sách xã hội và người có công; quản lý nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sĩ; thực hiện các hoạt động bảo trợ xã hội và chương trình xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn cấp xã;

+ Chủ trì, phối hợp với công chức khác và trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố xây dựng hương ước, quy ước ở thôn, tổ dân phố và thực hiện công tác giáo dục tại địa bàn cấp xã.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành và do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao.

Đối chiếu với quy định trên, ông A cần gặp công chức văn hóa – xã hội của phường để được hướng dẫn cụ thể.

TUẦN 3

III. Thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp xã

Câu 1: Anh A là con ngoài giá thú của bà B. Tháng 6/2011 bà B cho biết anh A là con ông D. Hiện ông D đang lâm bệnh nặng và có nguyện vọng được gặp mặt con. Sau khi ông D qua đời, thể theo nguyện vọng của ông, anh A và những người có liên quan tiến hành các thủ tục để đăng ký nhận cha cho anh A. Hồ sơ này được chuyển cho Chủ tịch UBND xã C (nơi anh A cư trú) xem xét, ký quyết định công nhận việc nhận cha. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã C không đồng ý và yêu cầu công chức Tư pháp – Hộ tịch phải hướng dẫn đương sự gửi hồ sơ đến cơ quan Tòa án để giải quyết.

Xin hỏi, quyết định của Chủ tịch UBND xã C có đúng không? Pháp luật quy định về thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con như thế nào?

Trả lời:

Quyết định trên của Chủ tịch UBND xã C là sai vì theo Điều 24 Luật Hộ tịch năm 2014, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con. Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con được quy định tại Điều  25 Luật Hộ tịch năm 2014 như sau:

-  Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.

-  Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức Tư pháp - Hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu. Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.

Như vậy, việc nhận cha của anh A trong trường hợp trên là tự nguyện, không có tranh chấp nên Ủy ban nhân dân xã C là cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp có tranh chấp liên quan đến việc nhận cha, mẹ, con thì thẩm quyền giải quyết là cơ quan Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.

Câu 2: Anh H thường trú ở xã A huyện B chuẩn bị hồ sơ xin việc nhưng bị mất bản chính Giấy khai sinh nên anh đến UBND huyện D để làm thủ tục đề nghị cấp lại bản chính giấy khai sinh. Anh được Phòng Tư pháp huyện thông báo là sổ gốc không lưu về trường hợp của anh và theo quy định mới không còn thủ tục cấp lại bản chính giấy khai sinh và hướng dẫn anh làm thủ tục đăng ký lại việc sinh tại UBND xã A. Việc đăng ký lại khai sinh được quy định như thế nào?

Trả lời:

1. Về điều kiện đăng ký lại khai sinh: Theo Điều 24 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ (Nghị định số 123/2015/NĐ-CP) quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Hộ tịch năm 2014, để được đăng ký lại khai sinh cần đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Việc khai sinh đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại.

- Người yêu cầu đăng ký lại khai sinh có trách nhiệm nộp đầy đủ bản sao giấy tờ, tài liệu có nội dung liên quan đến việc đăng ký lại.

- Việc đăng ký lại khai sinh chỉ được thực hiện nếu người yêu cầu đăng ký còn sống vào thời điểm tiếp nhận hồ sơ.

Anh H bị mất bản chính giấy khai sinh và sổ gốc hộ tịch không có thông tin về trường hợp của anh nên anh có đủ điều kiện đăng ký lại khai sinh

2. Thẩm quyền đăng ký lại khai sinh (Khoản 1 Điều 25): Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh trước đây hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người yêu cầu thường trú, thực hiện đăng ký lại khai sinh.

3. Về thủ tục đăng ký lại khai sinh (Điều 26)

3.1. Hồ sơ đăng ký lại khai sinh gồm các giấy tờ sau đây:

a) Tờ khai theo mẫu quy định, trong đó có cam đoan của người yêu cầu về việc đã đăng ký khai sinh nhưng người đó không lưu giữ được bản chính Giấy khai sinh;

b) Bản sao toàn bộ hồ sơ, giấy tờ của người yêu cầu hoặc hồ sơ, giấy tờ, tài liệu khác trong đó có các thông tin liên quan đến nội dung khai sinh của người đó;

c) Trường hợp người yêu cầu đăng ký lại khai sinh là cán bộ, công chức, viên chức, người đang công tác trong lực lượng vũ trang thì ngoài các giấy tờ theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này phải có văn bản xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị về việc những nội dung khai sinh của người đó gồm họ, chữ đệm, tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha - con, mẹ - con phù hợp với hồ sơ do cơ quan, đơn vị đang quản lý.

3.2. Về thủ tục đăng ký lại khai sinh

a) Người yêu cầu đăng ký lại khai sinh chuẩn bị các hồ sơ cần thiết nộp tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, công chức tư pháp - hộ tịch kiểm tra, xác minh hồ sơ. Nếu việc đăng ký lại khai sinh là đúng theo quy định của pháp luật thì công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện đăng ký lại khai sinh như trình tự quy định tại Khoản 2 Điều 16 của Luật Hộ tịch.

Nếu việc đăng ký lại khai sinh được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã không phải là nơi đã đăng ký khai sinh trước đây thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân nơi đăng ký khai sinh trước đây kiểm tra, xác minh về việc lưu giữ sổ hộ tịch tại địa phương.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký khai sinh trước đây tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản về việc còn lưu giữ hoặc không lưu giữ được sổ hộ tịch.

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh về việc không còn lưu giữ được sổ hộ tịch tại nơi đã đăng ký khai sinh, nếu thấy hồ sơ đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện việc đăng ký lại khai sinh như quy định tại Khoản 2 Điều 16 của Luật Hộ tịch.

d) Trường hợp người yêu cầu có bản sao Giấy khai sinh trước đây được cấp hợp lệ thì nội dung đăng ký khai sinh được ghi theo nội dung bản sao Giấy khai sinh; phần khai về cha, mẹ được ghi theo thời điểm đăng ký lại khai sinh.

đ) Trường hợp người yêu cầu không có bản sao Giấy khai sinh nhưng hồ sơ, giấy tờ cá nhân có sự thống nhất về nội dung khai sinh thì đăng ký lại theo nội dung đó. Nếu hồ sơ, giấy tờ không thống nhất về nội dung khai sinh thì nội dung khai sinh được xác định theo hồ sơ, giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chính thức hợp lệ đầu tiên; riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người đang công tác trong lực lượng vũ trang thì nội dung khai sinh được xác định theo văn bản của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này.

Câu 3: Do nhiều lần phải thay đổi nơi ở, chị T làm mất giấy chứng nhận kết hôn. Sau khi đến Ủy ban nhân dân xã H để được hướng dẫn làm lại giấy tờ đã mất. Xin hỏi, cán bộ tư pháp  - hộ tịch xã H cần hướng dẫn chị T thực hiện các thủ tục gì?

Trả lời

 Đối với tình huống của chị T, theo quy định tại Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP có xảy ra 2 trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Trong trường hợp Sổ Hộ tịch có lưu thông tin đăng ký kết hôn của chị H thì công chức tư pháp – hộ tịch hướng dẫn chị H thực hiện thủ tục yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch theo quy định tại Điều 63 và Điều 64 Luật hộ tịch.

Trường hợp2: Sổ Hộ tịch bị mất hoặc không có thông tin đăng ký kết hôn của chị H thì công chức tư pháp – hộ tịch hướng dẫn chị H thực hiện thủ tục đăng ký lại kết hôn theo quy định tại Điều 24, 25 và 27 của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP. Theo đó thủ tục đăng ký lại kết hôn được thực hiện như sau:

- Chị H phải chuẩn bị các giấy tờ sau đây nộp tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi chị H thường trú hoặc đăng ký kết hôn trước đây:

+ Tờ khai theo mẫu quy định;

+ Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp trước đây. Nếu không có bản sao Giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao hồ sơ, giấy tờ cá nhân có các thông tin liên quan đến nội dung đăng ký kết hôn.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, công chức tư pháp - hộ tịch kiểm tra, xác minh hồ sơ. Nếu thấy hồ sơ đăng ký lại kết hôn là đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật thì công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện đăng ký lại kết hôn như trình tự quy định tại Khoản 2 Điều 18 của Luật Hộ tịch.

Nếu việc đăng ký lại kết hôn thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã không phải là nơi đã đăng ký kết hôn trước đây thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân nơi đăng ký kết hôn trước đây kiểm tra, xác minh về việc lưu giữ sổ hộ tịch tại địa phương.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký kết hôn trước đây tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản về việc còn lưu giữ hoặc không lưu giữ được sổ hộ tịch.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh về việc không còn lưu giữ được sổ hộ tịch tại nơi đã đăng ký kết hôn, nếu thấy hồ sơ đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện việc đăng ký lại kết hôn như quy định tại Khoản 2 Điều này.

- Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn trước đây và được ghi rõ trong Giấy chứng nhận kết hôn, Sổ hộ tịch. Trường hợp không xác định được ngày, tháng đăng ký kết hôn trước đây thì quan hệ hôn nhân được công nhận từ ngày 01 tháng 01 của năm đăng ký kết hôn trước đây.

Câu 4: Chị M và anh H cùng học Đại học H. Sau khi ra trường, anh, chị về công tác tại trường cấp 2 xã X, huyện A và đã đăng ký tạm trú tại đây. Chị M có hộ khẩu thường trú tại phường Y và anh H có hộ khẩu thường trú tại xã P, huyện H. Tháng 10 năm 2011, chị M và anh H đến UBND xã X đăng ký kết hôn. Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã X đã hướng dẫn anh, chị về địa phương nơi thường trú xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và Ủy ban nhân dân xã X sẽ giải quyết việc đăng ký kết hôn. Khi về Ủy ban nhân dân xã P làm thủ tục đề nghị cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thì công chức Tư pháp - Hộ tịch xã P yêu cầu anh phải có giấy xác nhận độc thân ở những nơi anh từng cư trú. Hướng dẫn của công chức Tư pháp – Hộ tịch xã X và xã P có phù hợp với quy định của pháp luật không?

Trả lời:    

1. Thứ nhất, việc tham mưu giải quyết của công chức Tư pháp - Hộ tịch xã X là đúng vì:

Theo điểm a khoản 1 Điều 7 và Khoản 1 Điều 17 Luật Hộ tịch, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn đối với trường hợp cả hai bên nam, nữ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.

Theo khoản 1 Điều 12 Luật cư trú: Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú. Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.

Trong trường hợp này, Chị M và anh H đều đã đăng ký tạm trú tại xã X, do vậy, Ủy ban nhân dân xã X có thẩm quyền đăng ký kết hôn cho anh, chị.

2. Thứ hai, việc yêu cầu của công chức Tư pháp – Hộ tịch xã P là sai, vì:

Theo Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 123/2035/NĐ-CP,  Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của công dân Việt Nam thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Trường hợp công dân Việt Nam không có nơi thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó đăng ký tạm trú cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân

Anh H có hộ khẩu thường trú tại xã P, vì vậy Ủy ban nhân dân xã P có thẩm quyền và trách nhiệm cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho anh. Như vậy, anh Hùng không cần phải đến Ủy ban nhân dân cấp xã những nơi anh cần cư trú để xin Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trong khoảng thời gian cư trú ở từng địa phương đó.

Câu 5: Chị M đến UBND xã H để làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con. Qua kiểm tra hồ sơ giấy tờ, công chức Tư pháp – Hộ tịch không thấy có Giấy chứng nhận kết hôn. Theo trình bày của chị M, chị chưa lập gia đình nên không có Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, công chức Tư pháp – hộ tịch vẫn không nhận hồ sơ vì thiếu Giấy chứng nhận kết hôn. Việc từ chối làm thủ tục đăng ký khai sinh của công chức Tư pháp – Hộ tịch có phù hợp với quy định của pháp luật không?

Trả lời:

Hành vi không nhận hồ sơ đăng ký khai sinh cho con chị Mai của công chức Tư pháp - Hộ tịch không phù hợp với quy định của pháp luật bởi lẽ:

Được khai sinh là quyền của trẻ em theo quy định tại Điều 13 Luật trẻ em. Mọi trẻ em khi sinh ra đều có quyền được khai sinh không kể là con trong giá thú hay con ngoài giá thú.

 Theo Điều 9 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, khi đăng ký khai sinh tại Ủy ban nhân dân cấp xã, người yêu đăng ký khai sinh nộp các giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch, bao gồm:

- Tờ khai theo mẫu quy định

- Giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.

 Ngoài ra, người yêu cầu đăng ký khai sinh phải xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là: hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân.

Trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì còn phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn.

Trong trường hợp này, chị Mai chưa đăng ký kết hôn, vì vậy khi đăng ký khai sinh cho con tại Ủy ban nhân dân cấp xã, chị M không phải xuất trình giấy đăng ký kết hôn.

Câu 6: Anh C và chị D hiện đang cư trú, sinh sống, làm ăn lâu dài tại Malaysia. Nhân dịp nghỉ hè về nước, họ đến UBND phường X, quận B, nơi anh C trước đây đăng ký thường trú để đăng ký kết hôn, nhưng công chức Tư pháp – Hộ tịch phường X cho rằng họ đang cư trú, sinh sống, làm ăn lâu dài ở nước ngoài nên việc đăng ký kết hôn không thuộc thẩm quyền của UBND phường X mà thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân quận B. Giải thích của công chức Tư pháp – Hộ tịch phường X có phù hợp với quy định của pháp luật không?

Trả lời:

Việc từ chối đăng ký kết hôn của công chức Tư pháp – Hộ tịch phường X phù hợp với quy định của pháp luật bởi theo Khoản 1 Điều 37 Luật Hộ tịch năm 2017: “Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài”.

Như vậy, anh C và chị D  thuộc trường hợp kết hôn giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau nên sẽ thuộc thẩm quyền đăng ký kết hôn của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Do đó, trong tình huống trên, công chức Tư pháp – Hộ tịch phường X cần hướng dẫn anh C,  chị D thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân quận B.

Câu 7: Anh L và chị H đăng ký kết hôn tại UBND xã N, tỉnh H, sau đó đã chuyển vào tỉnh D sinh sống. Đầu năm 2017 do có việc cần đến Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn nhưng bản chính đã bị mất, anh L xin cấp bản sao Giấy chứng nhận kết hôn. Tuy nhiên, điều kiện gia đình rất khó khăn và cũng bận làm ăn nên anh không thể về quê được. Anh L có thể có được bản sao Giấy chứng nhận kết hôn mà không phải về quê hay không?

Trả lời:

Theo Điều 17 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015, người yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc có thể yêu cầu trực tiếp hoặc gửi yêu cầu qua đường bưu điện. Do đó, anh L có thể gửi yêu cầu xin cấp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của mình đến UBND xã N, tỉnh H (là nơi đang lưu trữ sổ gốc) bằng đường bưu điện, mà không cần phải về quê trực tiếp yêu cầu. Anh L phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng, 01 (một) phong bì dán tem ghi rõ họ tên, địa chỉ người nhận cho cơ quan, tổ chức cấp bản sao.

Câu 8: Công ty W khi tuyển nhân viên vào làm việc có yêu cầu trong hồ sơ dự tuyển phải có Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của người dự tuyển. Là người dự tuyển, anh P đã đề nghị UBND xã nơi mình cư trú cấp loại giấy này. Công chức Tư pháp – Hộ tịch xã từ chối vì cho rằng yêu cầu của công ty W là trái pháp luật; Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân chỉ được cấp khi công dân đăng ký kết hôn, còn xin việc làm thì có gia đình hay chưa cũng phải tuyển dụng, miễn là có trình độ, năng lực. Việc từ chối cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của công chức Tư pháp – Hộ tịch xã có phù hợp với quy định của pháp luật không

Trả lời:

Việc từ chối cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của công chức Tư pháp – Hộ tịch xã là không phù hợp với quy định của pháp luật vì theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thì Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được sử dụng để kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài hoặc sử dụng vào mục đích khác.

Do đó, việc anh  P yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để xin việc làm là hoàn toàn phù hợp.

Câu 9: Phát hiện một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trước cửa nhà mình, bà C đã báo Ủy ban nhân dân phường đến lập biên bản và làm các thủ tục niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân phường về việc trẻ bỏ rơi. Theo đề nghị của bà C, Ủy ban nhân dân phường giao em bé cho bà C tạm thời nuôi dưỡng. Việc đăng ký khai sinh cho bé trong trường hợp này được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Quyền được khai sinh là quyền của trẻ em được quy định trong Luật trẻ em và Bộ luật dân sự. Theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 thì việc đăng ký khai sinh trong trường hợp này được thực hiện như sau:

1. Sau khi Ủy ban nhân dân phường tiến hành niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân trong 07 ngày liên tục về việc trẻ bị bỏ rơi mà không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ, Ủy ban nhân dân phường thông báo cho bà C để tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ. Bà C đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm khai sinh cho trẻ em.

2. Thủ tục khai sinh cho trẻ được thực hiện như sau:

- Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập.

- Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ nêu trên, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức Tư pháp - Hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân. Công chức Tư pháp - Hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

- Họ, chữ đệm, tên của trẻ được xác định theo quy định của pháp luật dân sự.

- Nếu không có cơ sở để xác định ngày, tháng, năm sinh và nơi sinh của trẻ thì lấy ngày, tháng phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày, tháng sinh; căn cứ thể trạng của trẻ để xác định năm sinh.

- Nơi sinh là nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi; quê quán được xác định theo nơi sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam

- Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ hộ tịch để trống; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ bị bỏ rơi”.

Câu 10: Trong bản chính Giấy khai sinh của cháu T, phần ghi về quê quán là: xã E, huyện H, tỉnh L. Một thời gian sau, gia đình cháu T đến Ủy ban nhân dân xã E (nơi đã đăng ký khai sinh cho cháu T) xin cấp bản sao Giấy khai sinh. Lúc này huyện H  đã được tách thành 2 huyện là H và M (nơi cư trú của gia đình T hiện thuộc xã E, huyện M, tỉnh L).  Trong bản sao Giấy khai sinh của cháu T, quê quán sẽ ghi theo tên gọi cũ là: xã E, huyện H, tỉnh L hay theo tên gọi mới là: xã E, huyện M, tỉnh L?

Trả lời:

Theo Khoản 2 Điều 57 Luật Hộ tịch năm 2014, “Cơ sở dữ liệu hộ tịch bao gồm Sổ hộ tịch và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là căn cứ để cấp bản sao trích lục hộ tịch”.

Theo quy định trên thì phần ghi về quê quán của T trong bản sao Giấy khai sinh phải được ghi đúng theo nội dung đã đăng ký trong Sổ hộ tịch lưu trữ tại xã E hoặc cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là: xã E, huyện H, tỉnh L.

Câu 11: Gia đình chị V di cư từ miền Bắc vào sinh sống tại thôn K, xã H huyện E, tỉnh Đ ở miền Nam và đã cắt hộ khẩu thường trú tại địa phương cũ, nhưng chưa đăng ký thường trú, tạm trú tại nơi ở mới. Sau đó, chị sinh cháu A, gia đình cũng chưa đăng ký khai sinh cho cháu. Khi cháu A đến tuổi đi học, chị V mới làm đơn (có xác nhận của Trưởng thôn K) đề nghị UBND xã H đăng ký khai sinh cho cháu A. Trong trường hợp này UBND xã H có thể làm thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu A không? Công  chức Tư pháp – Hộ tịch xã H phải giải quyết trường hợp này như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 13 Luật Hộ tịch năm 2014, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh.

Gia đình chị V thực tế cư trú tại xã H nhưng chưa đăng ký thường trú, tạm trú. Vì vậy, trong trường hợp này, trước hết, công chức Tư pháp - Hộ tịch của xã H phải hướng dẫn chị V làm thủ tục đăng ký cư trú (thường trú, tạm trú) tại địa phương theo quy định của pháp luật.

Sau khi chị H đã đăng ký cư trú tại xã H, Ủy ban nhân dân xã H có thể tiến hành thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu A theo quy định tại Điều 16 Luật Hộ tịch năm 2014. Đồng thời, công chức Tư pháp – Hộ tịch cần tham mưu Chủ tịch UBND xã H xử phạt vi phạm hành chính đối với chị V về hành vi không thực hiện việc đăng ký khai sinh trong thời hạn do pháp luật quy định theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Câu 12: Anh A bị Tòa án tuyên bố là đã chết. Sau đó, Tòa án ra quyết định hủy bỏ tuyên bố anh A đã chết, trong khi đó vợ của anh là chị B chưa kết hôn với người khác. Anh A và chị B vẫn muốn tiếp tục quan hệ hôn nhân. Xin hỏi, anh A và chị B có cần phải làm lại thủ tục đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của anh hoặc của chị hay không?

Trả lời:

Theo Điều 65 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định, hôn nhân chấm dứt kể từ thời điểm vợ hoặc chồng chết. Trong trường hợp Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng là đã chết thì thời điểm hôn nhân chấm dứt được xác định theo ngày chết được ghi trong bản án, quyết định của Tòa án. Tuy nhiên cùng tại Điều 67 Luật quy định: Khi Tòa án ra quyết định hủy bỏ tuyên bố một người là đã chết mà vợ hoặc chồng của người đó chưa kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân được khôi phục kể từ thời điểm kết hôn.

Như vậy, anh A và chị B không cần phải làm lại thủ tục đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của anh hoặc của chị.

TUẦN 3

III. Thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp xã (Tiếp theo)

Câu 13: Anh  X  sinh năm 1984, kết hôn và chung sống với chị G nhiều năm mà không có con. Năm 2017, anh X  liên hệ Ủy ban nhân dân xã nơi vợ chồng anh cư trú đề nghị làm thủ tục để nhận cháu C 14 tuổi làm con nuôi. Trong trường hợp này, anh X, chị G  có đủ điều kiện để nhận con nuôi hay không?

Trả lời:

Theo Điều 8 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, người được nhận làm con nuôi phải là trẻ em dưới 16 tuổi hoặc người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;

- Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

Trong trường hợp này cháu C 14 tuổi, đủ điều kiện được nhận làm con nuôi. Tuy nhiên, điểm c khoản 1 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định một trong những điều kiện của người nhận nuôi  là “hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên”.

Năm 2017, anh X 33 tuổi, cháu C 14 tuổi, anh chỉ hơn cháu C 19 tuổi nên không đủ điều kiện nhận con nuôi theo quy định. Do vậy, công chức Tư pháp - Hộ tịch không thụ lý giải quyết việc nhận con nuôi của anh X.

Câu 14: Có người phản ánh tình trạng khi làm thủ tục nhập học cho con vào trường X, nhà trường yêu cầu phụ huynh phải nộp bản sao Giấy khai sinh được cấp từ sổ gốc, mà không nhận bản sao được chứng thực từ bản chính. Việc làm của nhà trường có phù hợp với quy định của pháp luật không?

Trả lời:

Theo Điều 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì bản sao được cấp từ sổ gốc và bản sao được chứng thực từ bản chính đều có giá trị pháp lý sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch. Do đó, người dân nộp bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính đều được. Vì vậy, yêu cầu của trường X chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Câu 15: Ông M đến Ủy ban nhân dân xã K nộp hồ sơ (gồm có: Chứng minh nhân dân đang còn hạn sử dụng và Giấy ủy quyền) yêu cầu chứng thực chữ ký của ông trên Giấy ủy quyền. Nhưng người tiếp nhận hồ sơ đã từ chối không chứng thực chữ ký cho ông với lý do ông M không biết chữ. Xin hỏi việc từ chối chứng thực trong trường hợp này có phù hợp với quy định của pháp luật không?

Trả lời:

Việc từ chối chứng thực của người tiếp nhận hồ sơ xã K là không phù hợp với quy định của pháp luật vì:

1. Ông M yêu cầu chứng thực chữ ký trong văn bản, giấy tờ, không phải chữ ký người dịch, đây là việc thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã (theo điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP 16 tháng 02 năm 2015  của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch).

- Ông M đã nộp đủ các giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.

2. Ông M không thuộc một trong các trường hợp không được chứng thực chữ ký quy định tại Điều 25 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, cụ thể là:

+ Tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu chứng thực chữ ký không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.

+ Người yêu cầu chứng thực chữ ký xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu không còn giá trị sử dụng hoặc giả mạo.

+ Giấy tờ, văn bản mà người yêu cầu chứng thực ký vào có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân.

+ Giấy tờ, văn bản có nội dung là hợp đồng, giao dịch, trừ các trường hợp chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản hoặc trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Điều 26 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP còn quy định: Việc chứng thực chữ ký và trường hợp không được chứng thực chữ ký cũng được áp dụng trong trường hợp chứng thực điểm chỉ khi người yêu cầu chứng thực chữ ký không ký được và trường hợp người yêu cầu chứng thực không thể ký, điểm chỉ được.

Câu 16. Vợ chồng anh A hiếm muộn nên muốn có con nuôi. Vợ chồng anh muốn biết điều kiện đối với người nhận con nuôi và thủ tục để nhận con nuôi được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

1. Điều kiện đối với người nhận con nuôi như sau:

1.1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

- Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

- Có tư cách đạo đức tốt.

1.2. Những người sau đây không được nhận con nuôi:

- Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

- Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

- Đang chấp hành hình phạt tù;

- Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

2. Thủ tục nhận nuôi con nuôi được quy định tại các Điều 17, 18, 19 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 như sau:

2.1. Hồ sơ của người nhận con nuôi gồm:

- Đơn xin nhận con nuôi;

- Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

- Phiếu lý lịch tư pháp;

- Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

- Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, trừ trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi.

2.2. Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi trong nước gồm:

* Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi trong nước gồm có:

- Giấy khai sinh;

- Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;

- Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;

- Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi; Giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em là đã chết đối với trẻ em mồ côi; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ mất tích; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất năng lực hành vi dân sự đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ để mất năng lực hành vi dân sự;

- Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng.

* Cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ lập hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi sống tại gia đình; cơ sở nuôi dưỡng lập hồ sơ của trẻ em được giới thiệu làm con nuôi sống tại cơ sở nuôi dưỡng.

3. Thời hạn giải quyết việc nuôi con nuôi

- Người nhận con nuôi phải nộp hồ sơ của mình và hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú hoặc nơi người nhận con nuôi thường trú. Thời hạn giải quyết việc nuôi con nuôi là 30 ngày, kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Câu 17. Năm 1999, ông bà K có nhận anh A làm con nuôi (8 tuổi) và có đăng ký với Ủy ban nhân dân phường T nơi ông bà thường trú. Năm 2017, khi có việc, anh A tìm giấy tờ xác nhận anh là con nuôi ông bà K nhưng không  thấy. Ông K đến Ủy ban nhân dân phường T đề nghị cấp bản sao thì Sổ hộ tịch của phường đã bị hư hỏng không sử dụng được. Ông K có thể xin xác nhận ông bà là bố mẹ nuôi của anh A không? Theo thủ tục nào?

Trả lời:

Theo Điều 29 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP  ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật nuôi con nuôi (Nghị định số 19/2011/NĐ-CP), việc nuôi con nuôi đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam, nhưng cả Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ đăng ký nuôi con nuôi bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được, thì được đăng ký lại, nếu cả cha, mẹ nuôi và con nuôi đều còn sống vào thời điểm yêu cầu đăng ký lại.

Trong trường hợp trên, thẩm quyền đăng ký lại việc nuôi con nuôi là Ủy ban nhân dân phường T.

Anh A phải nộp Tờ khai đăng ký lại việc nuôi con nuôi. Trong thời hạn 05 phường T ký và cấp cho người yêu cầu đăng ký lại 01 bản chính Giấy chứng nhận nuôi con nuôi. Trong mục ghi chú của bản chính Giấy chứng nhận nuôi con nuôi và Sổ đăng ký nuôi con nuôi phải ghi rõ là đăng ký lại.

Câu 18. Cơ quan nào có trách nhiệm lấy ý kiến của những người liên quan về việc nuôi con nuôi?

Trả lời:

 Theo Điều 8 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP, việc lấy ý kiến của những người liên quan về việc nuôi con nuôi được thực hiện theo Điều 20 Luật Nuôi con nuôi và do công chức tư pháp – hộ tịch của Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi trực tiếp thực hiện.

Trường hợp người nhận con nuôi nộp hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó thường trú nhưng không phải là nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi, thì việc lấy ý kiến của những người liên quan về việc nuôi con nuôi được thực hiện như sau:

a) Trường hợp cử công chức tư pháp – hộ tịch trực tiếp đi lấy ý kiến, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận hồ sơ có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi cử công chức tư pháp – hộ tịch của mình phối hợp lấy ý kiến của những người liên quan.

b) Trường hợp không thể cử công chức tư pháp – hộ tịch trực tiếp đi lấy ý kiến, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận hồ sơ có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi lấy ý kiến của những người liên quan.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi cử công chức tư pháp – hộ tịch của mình trực tiếp lấy ý kiến của những người liên quan và gửi kết quả cho Ủy ban nhân dân cấp xã có yêu cầu.

Việc lấy ý kiến phải thể hiện bằng văn bản và công chức tư pháp – hộ tịch phải tư vấn để trẻ em tiếp tục được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục phù hợp với điều kiện và khả năng thực tế của gia đình.

Câu 19. Bà H là công chức Tư pháp – Hộ tịch đã về hưu, am hiểu kiến thức pháp luật và có uy tín tại cộng đồng dân cư. Bà tham gia tích cực hoạt động phổ biến pháp luật tại phường T nơi gia đình bà cư trú. Ủy ban nhân dân phường T muốn công nhận bà là tuyên truyền viên pháp luật. Việc công nhận tuyên truyền viên pháp luật được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 37 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, người có uy tín, kiến thức, am hiểu về pháp luật được xem xét để công nhận là tuyên truyền viên pháp luật ở xã, phường, thị trấn hoặc được mời tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở.

Như vậy, bà H có thể được xem xét công nhận là tuyên truyền viên pháp luật của phường T. Thủ tục công nhận tuyên truyền viên pháp luật được quy định tại Điều 5 Thông tư số 10/2016/TT-BTP ngày 22/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật (Thông tư số 10/2016/TT-BTP) như sau:

Định kỳ tháng 9 hàng năm, công chức Tư pháp - Hộ tịch chủ trì, phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận, Tổ trưởng Tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (sau đây gọi là địa bàn cơ sở) và người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn phường thông báo công khai tiêu chuẩn tuyên truyền viên pháp luật; các quy định về công nhận tuyên truyền viên pháp luật tới cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn cơ sở để tự nguyện đăng ký tham gia làm tuyên truyền viên pháp luật.

Căn cứ danh sách tự nguyện đăng ký tham gia làm tuyên truyền viên pháp luật từ địa bàn cơ sở, thực trạng đội ngũ công chức của Ủy ban nhân dân phường và nhu cầu xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, công chức Tư pháp - Hộ tịch rà soát, lập danh sách người đủ tiêu chuẩn trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường T xem xét, công nhận tuyên truyền viên pháp luật.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách đề nghị công nhận tuyên truyền viên pháp luật của công chức Tư pháp - Hộ tịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường T xem xét, ra quyết định công nhận tuyên truyền viên pháp luật.

Đối chiếu với quy định trên, để được công nhận, bà H đăng ký làm tuyên truyền viên pháp luật với Tổ trưởng Tổ dân phố phường T để gửi đồng chí công chức Tư pháp – Hộ tịch tổng hợp danh sách và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường xem xét, quyết định.

Câu 20. Ông M là tuyên truyền viên pháp luật của xã A đã được 3 năm. Nay, do tuổi cao, sức yếu, ông M và gia đình muốn được thôi làm tuyên truyền viên pháp luật. Ông cần hoàn tất thủ tục gì để được thôi làm tuyên truyền viên pháp luật?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 10/2016/TT-BTP, Với lý do về sức khỏe,  ông M có quyền xin thôi làm tuyên truyền viên pháp luật. Công chức Tư pháp - Hộ tịch sẽ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã A xem xét, ra quyết định cho thôi làm tuyên truyền viên pháp luật đối với ông. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã A xem xét, quyết định cho thôi làm tuyên truyền viên pháp luật. Quyết định cho thôi làm tuyên truyền viên pháp luật được gửi cho Trưởng ban công tác Mặt trận, ông M và được công bố công khai theo quy định (Khoản 2, 3 Điều 6 Thông tư số 10/2016/TT-BTP).

Câu 21. Tôi vừa tốt nghiệp trường cao đẳng, hiện nay đang chuẩn bị hồ sơ xin việc làm, có nhu cầu chứng thực các văn bằng, chứng chỉ. Để chứng thực các bản sao từ bản chính, tôi cần đến đâu và thủ tục như thế nào?

Trả lời:

Thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã. Như vậy, nếu các giấy tờ, tài liệu của bạn thuộc trường hợp trên thì bạn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú để chứng thực.

Về thủ tục, theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, bạn cần:

-  Phải xuất trình bản chính giấy tờ, văn bản làm cơ sở để chứng thực bản sao và bản sao cần chứng thực.

- Trường hợp bạn chỉ xuất trình bản chính thì cơ quan, tổ chức tiến hành chụp từ bản chính để thực hiện chứng thực, trừ trường hợp cơ quan, tổ chức không có phương tiện để chụp.

- Người thực hiện chứng thực kiểm tra bản chính, đối chiếu với bản sao, nếu nội dung bản sao đúng với bản chính, bản chính giấy tờ, văn bản không thuộc các trường hợp quy định thì thực hiện chứng thực như sau:

- Ghi đầy đủ lời chứng chứng thực bản sao từ bản chính theo mẫu quy định;

- Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.

Đối với bản sao có từ 02 (hai) trang trở lên thì ghi lời chứng vào trang cuối, nếu bản sao có từ 02 (hai) tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.

Mỗi bản sao được chứng thực từ một bản chính giấy tờ, văn bản hoặc nhiều bản sao được chứng thực từ một bản chính giấy tờ, văn bản trong cùng một thời điểm được ghi một số chứng thực.

Câu 22. Bà tôi năm nay đã 80 tuổi, sức khỏe ngày càng giảm sút nên bà có ý định lập di chúc chia tài sản thuộc sở hữu của bà. Bà tôi muốn nhờ công chức Tư pháp  - Hộ tịch xã ghi chép nội dung để lập di chúc, bà tôi cần làm các thủ tục gì?

Trả lời:

Theo Điều 636 Bộ luật Dân sự năm 2015, thủ tục lập di chúc tại Ủy ban nhân dân cấp xã như sau:

1. Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp xã.

2. Người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp xã phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố.

3. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp xã ký vào bản di chúc.

4. Trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp xã. Người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp xã chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.

Căn cứ vào quy định ở trên, bà của bạn cần liên hệ với đồng chí công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã nơi cư trú để được hướng dẫn và thực hiện việc ghi chép di chúc cho bà.

Câu 23. Đề nghị cho biết thủ tục đăng ký chấm dứt giám hộ được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 22 Luật Hộ tịch năm 2014, thủ tục đăng ký chấm dứt giám hộ như sau:

Người yêu cầu đăng ký chấm dứt giám hộ nộp tờ khai đăng ký chấm dứt giám hộ theo mẫu quy định và giấy tờ làm căn cứ chấm dứt giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự cho cơ quan đăng ký hộ tịch (Ủy ban nhân dân cấp xã).

Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, nếu thấy việc chấm dứt giám hộ đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, công chức Tư pháp - Hộ tịch ghi việc chấm dứt giám hộ vào Sổ hộ tịch, cùng người đi đăng ký chấm dứt giám hộ ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Câu 24. Vợ chồng anh H sinh sống ở thành phố, có con trai tên là T, 10 tuổi. Tên của cháu trùng với tên của ông Trưởng họ, vì thế, việc gọi tên cháu rất bất tiện, gây ảnh hưởng đến tình cảm dòng tộc. Vợ chồng anh H có nhu cầu đổi tên cho con. Việc đổi tên được quy định như thế nào?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó. Điều 7 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định: Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thì còn phải có sự đồng ý của người đó.

Trong trường hợp này vợ chồng anh H có quyền yêu cầu thay đổi tên nếu có sự đồng ý của cháu H. Thủ tục đăng ký thay đổi tên của cháu được quy định tại Điều 28 Luật Hộ tịch năm 2014, cụ thể:

- Người yêu cầu đăng ký thay đổi tên nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, nếu thấy việc thay đổi tên là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức Tư pháp - Hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi tên ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu. Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.

- Trường hợp đăng ký thay đổi tên không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.

Câu 25. Vợ chồng chị A mới đón đứa con chào đời bằng phương pháp nhờ người mang thai hộ. Tuy nhiên, khi chuẩn bị làm thủ tục khai sinh cho con, người mang thai hộ yêu cầu phải ghi tên mình vào phần thông tin người mẹ trong giấy khai sinh với lý do chính người đó mới sinh ra cháu bé, vợ chồng chị A không đồng ý. Vậy, thủ tục khai sinh cho con trong trường hợp này được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 16 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, người yêu cầu đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch (Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh) và văn bản xác nhận của cơ sở y tế đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho việc mang thai hộ. Phần khai về cha, mẹ của trẻ được xác định theo cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ.

Như vậy, đối chiếu với trường hợp trên, phần khai về cha, mẹ trong giấy khai sinh phải là tên của vợ chồng chị A mới đúng quy định pháp luật.

 Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức Tư pháp - Hộ tịch ghi nội dung khai sinh (gồm: (1) Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch; (2) Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú và (3) Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh) vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.

Nội dung đăng ký khai sinh gồm:

- Thông tin của người được đăng ký khai sinh (Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch);  Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh (Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú) và Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh, trong đó:

- Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán;

- Quốc tịch của trẻ em được xác định theo quy định của pháp luật về quốc tịch;

- Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh được cấp khi đăng ký khai sinh. Thủ tục cấp số định danh cá nhân được thực hiện theo quy định của Luật Căn cước công dân và Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân, trên cơ sở bảo đảm đồng bộ với Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP;

- Ngày, tháng, năm sinh được xác định theo Dương lịch. Nơi sinh, giới tính của trẻ em được xác định theo Giấy chứng sinh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì xác định theo giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại điểm 1 nêu trên.

Đối với trẻ em sinh tại cơ sở y tế thì nơi sinh phải ghi rõ tên của cơ sở y tế và tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi có cơ sở y tế đó; trường hợp trẻ em sinh ngoài cơ sở y tế thì ghi rõ tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi trẻ em sinh ra.

- Quê quán của người được đăng ký khai sinh được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.

Công chức Tư pháp - Hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Chủ nhật Ngày 26/1/2025, 11:32:37 PM
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 201.812
    Online: 1