Cải cách hành chính được coi là một nhiệm vụ trọng tâm của nền hành chính nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Đây là chương trình có mức độ tác động mạnh mẽ, sâu sắc và rộng khắp. Nó đã tạo được nhiều bước chuyển biến lớn trong hệ thống quản lý hành chính công, xây dựng một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hiện đại, phục vụ tốt hơn cho những nhu cầu ngày càng tăng của người dân và tổ chức.
Cải cách hành chính ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay được triển khai với nội dung là: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Trong đó cải cách các thủ tục liên quan đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp đã được Đảng và nhà nước ta coi là khâu đột phá của cải cách hành chính. Theo chủ trương đó và dưới sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và các chính quyền địa phương, hệ thống thủ tục ấy đã được đổi mới một bước, góp phần hoàn thiện thể chế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, nếu cho rằng cải cách thủ tục hành chính là vấn đề “đóng khuôn” trong phạm vi của riêng nền hành chính nhà nước thì đó là một nhận định sai lầm. Cải cách thủ tục hành chính đúng là công việc của nền hành chính nhà nước, của những cán bộ, công chức nhà nước, nhưng nó không tách rời xã hội, không tách rời người dân. Nó có mối quan hệ chặt chẽ với người dân, người dân có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động này. Bởi vì, cải cách thủ tục hành chính là cải cách phương thức làm việc của nền hành chính, cải cách cách thức phục vụ của nền hành chính đối với người dân, tổ chức. Mục tiêu cuối cùng mà cải cách thủ tục hành chính hướng đến chính là sự phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, làm cho họ hài lòng và tin tưởng vào sự quản lý của nhà nước. Người dân luôn mong muốn và sẵn sàng có những hành động giúp cho nền hành chính ngày càng tốt hơn, nhờ đó để họ được phục vụ tốt hơn. Do đó, sự tham gia của người dân vào cải cách thủ tục hành chính là một trong những điều kiện quan trọng cho sự thành công của quá trình này.
Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta đã chỉ rõ sự cần thiết phải tiến hành cải cách hành chính, coi đây là một giải pháp quan trọng góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta đã tiến hành cải cách hành chính từng bước thận trọng và đã thu được nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Cải cách hành chính ở Việt Nam được triển khai trên nhiều nội dung: cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính, trong đó cải cách thủ tục hành chính là một khâu quan trọng và được đặt ra ngay từ giai đoạn đầu của tiến trình cải cách. Thủ tục hành chính không chỉ liên quan đến công việc nội bộ của một cơ quan, một cấp chính quyền, mà còn đến các tổ chức và công dân trong mối quan hệ với Nhà nước. Các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp hay ở các văn bản pháp luật khác có được thực hiện hay không, thực hiện như thế nào về cơ bản đều phải thông qua thủ tục hành chính do các cơ quan, các cấp chính quyền nhà nước quy định và trực tiếp giải quyết. Cùng với yêu cầu phát triển và hội nhập, cải cách thủ tục hành chính ở nước ta từng bước được định hình về nội dung, phương hướng triển khai với những bước đi, cách làm nhằm bảo đảm bộ máy hành chính phục vụ tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Để công cuộc CCHC đi đến thành công, trong thời gian tới chúng ta cần tập trung làm tốt một số nội dung sau:
Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, người đứng đầu các cơ quan hành chính đối với công cuộc CCHC. Phải nhận thức rõ, sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của CCHC đối với quá trình phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, coi CCHC thực sự là một nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời cũng phải xác định đây là việc làm thường xuyên, lâu dài. Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành tương xứng với vai trò, tầm quan trọng của CCHC là một trong ba đột phá chiến lược. Cải cách phải có chương trình, kế hoạch, mục tiêu cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm và phải bố trí nguồn lực thỏa đáng để triển khai thực hiện. Coi trọng công tác thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về CCHC.
Phát huy dân chủ, thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính, tăng cường lấy ý kiến người dân đối với việc xây dựng thể chế, chính sách, đánh giá tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ công chức, lấy sự hài lòng của người dân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công là thước đo hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước.
Tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp theo Chương trình tổng thể CCHC nhà nước, tập trung vào cải cách về thể chế, TTHC, tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp 2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Xây dựng pháp luật phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi; chú ý việc phản hồi chính sách và thường xuyên rà soát, kiểm tra để hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, kịp thời sửa đổi các quy định không còn phù hợp thực tiễn.
Cần có các giải pháp cụ thể, thiết thực để tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi nhất để thúc đẩy sản xuất kinh doanh của DN, trọng tâm là CCTTHC trong các lĩnh vực thuế, hải quan, BHXH, đất đai, xây dựng... Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan dân cư.
Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước theo quy định của các Luật về tổ chức bộ máy nhà nước được Quốc hội thông qua theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Thực hiện rà soát, loại bỏ các trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các CQHCNN.
Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức viên chức, coi đây vừa là mục tiêu vừa là động lực của CCHC. Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, hoàn thiện các quy định về chức danh, tiêu chuẩn của từng vị trí việc làm để làm cơ sở cho tinh giản tổ chức và biên chế. Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bằng các hình thức phù hợp, có hiệu quả. Quy định rõ và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Có chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhằm tăng cường công khai, minh bạch và hiệu lực hiệu quả. Từng bước hình thành Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, đáp ứng yêu cầu của người dân, DN và nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, hoạt động của các cơ quan nhà nước. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quy trình xử lý công việc của CQHCNN. Tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử và trao đổi văn bản, tài liệu giữa các CQHCNN dưới dạng dữ liệu điện tử. Đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến; xây dựng và sử dụng thống nhất biểu mẫu điện tử. Khuyến khích sử dụng phương thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin; xây dựng cổng thông tin và mạng hành chính điện tử bốn cấp.
CCHC là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, là một trong ba đột phá chiến lược, quyết định tới sự thành công của công cuộc CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, giám sát của người dân, DN và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, chắc chắn rằng công cuộc cải cách sẽ có bước đột phá trong thời gian tới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả QLNN, huy động được mọi nguồn lực cho phát triển, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đưa đất nước ta phát triển nhanh bền vững, bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và DN./.
Mai Trang